Đa phần các vị đại biểu thống nhất biệt thự mang hồn của Hà Nội cổ nên việc giữ lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước đó, đề án quản lý quỹ nhà biệt thự đã hai lần trình lên HĐND nhưng vẫn chưa được thông qua.
Sau nhiều giờ tranh luận, HĐND Hà Nội đã thông qua quản lý nhà biệt thự theo nguyên tắc bán 588 biệt thự, áp dụng theo khung giá đất năm 2004, có hệ số ưu tiên. 46 biệt thự đang được các doanh nghiệp thuê sẽ tiếp tục cho thuê theo giá thị trường. 173 biệt thự với diện tích trên 500 m2, có giá trị kiến trúc tại trung tâm chính trị Ba Đình sẽ không được bán.
Đại biểu Vũ Đức Tân (Ba Đình) đã "không bỏ phiếu" bán biệt thự bởi theo ông giá trị biệt thự không chỉ tính bằng tiền tỷ mà là kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Biệt thự Hà Nội còn gắn với yếu tố con người bởi nhiều nơi từng là chỗ ở của các nhà chính trị, văn hóa, ngoại giao. Hiện những biệt thự trong khu phố cổ mang dáng dấp kiểu Pháp không còn nhiều. Đây là di sản vật chất duy nhất tương đối còn tồn tại sau 1.000 năm lịch sử. "Khi sáp nhập với Hà Tây, chúng ta có đủ quỹ đất để xây dựng những ngôi nhà phục vụ mục đích chung của xã hội. Cần có phương án giữ gìn các biệt thự hợp lý", ông Tân nói.
Khoảng 600 biệt thự ở Hà Nội sẽ được bán. Ảnh: Hoàng Hà
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Việt Hưng kiến nghị 46 biệt thự thuộc sự quản lý của Nhà nước đang cho doanh nghiệp thuê không nên bán bởi những khu biệt thự mày mang giá trị kiến trúc rất lớn. Theo ông Hưng, các khu biệt thự này nên tiếp tục cho thuê, song vị đại biểu này cũng đặt ra câu hỏi: “Đề xuất theo giá thị trường nhưng giá thị trường cho thuê là thế nào? Khi phân cấp độ bảo tồn 1, 2, 3, các doanh nghiệp sẽ chạy bằng được cấp độ 3 để tự ý sửa chữa khu biệt thự".
Ngoài ra, nhiều đại biểu đưa ra đề xuất cần có hội đồng chuyên môn bao gồm kiến trúc sư, những nhà sử học đánh giá về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và giá trị sử dụng của các khu biệt thự này. Theo ông Trần Trọng Hanh (Thanh Xuân), hội đồng chuyên môn sẽ xác định giá khu biệt thự dựa vào giá trị sử dụng và giá trị sinh lời. "Giá bán biệt thự theo nghị định 61 là chưa hoàn toàn hợp lý vì khi bán cần xét đến thương hiệu của khu biệt thự”, ông Hanh nhấn mạnh.
Thống nhất với quan điểm này, bà Bùi Thị An (Hai Bà Trưng) bổ sung: “Hội đồng định giá sẽ đảm bảo không thất thoát tiền của của Nhà nước đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Các biệt thự đang bán dở có thể tiếp tục bán nhưng phải quản lý để hài hòa giữa lợi ích người bán và người mua", bà An cho biết.
Bà An, cùng với ông Lê Văn Hoạt, Trưởng ban kinh tế và ngân sách, đều cho rằng cần có sự thống nhất trong việc xây dựng quy chế quản lý biệt thự. Việc biệt thự nào được bán hay không phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng.
Theo đề án quản lý quỹ nhà biệt thự của UBND TP Hà Nội, toàn thành phố có tổng số 970 biệt thự. Trong đó gồm 42 biệt thự không bán, 229 biệt thự chưa bán, 163 biệt thự đã bán trọn vẹn, 536 biệt thự bán một phần. Kết quả đợt kiểm tra, số lượng biệt thự còn nguyên trạng chiếm tỷ lệ 15%, số biệt thự đã cải tạo, sửa chữa bị biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm diện tích chiếm tỷ lệ 80%. Số lượng đã phá đi xây dựng mới là 5%.
Đối với các biệt thự không bán, việc quản lý được thực hiện theo quy định về quản lý nhà ở, đất ở về quy hoạch kiến trúc (giữ nguyên hình thức kiến trúc, mật độ xây dựng, tầng cao công trình), về sắp xếp xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Đối với các biệt thự đề nghị bán, Sở Xây dựng chủ trì, lập phương án hỗ trợ và dự án xây dựng các khu nhà ở để thực hiện di dời các hộ dân không có khả năng mua nhà ở tại các biệt thự. Biệt thự ở các hộ thuê không mua vẫn thuộc quyền quản lý của Công ty quản lý nhà. Về giá bán biệt thự, đối với diện tích đất ở trong định mức, thực hiện theo đúng giá đất quy định về giá các loại đất.
Theo Dothi.net