Ngày đăng: 08/05/2010
Dù đã thay đổi nhiều phương thức bán hàng, cộng với các chương trình khuyến mãi khá hấp dẫn, nhưng thời gian qua lượng sản phẩm nhà đất (chủ yếu là căn hộ) bán được không đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đang tính tới phương án nằm im chờ thời…
Một phần của tình trạng ế ẩm này do nhiều doanh nghiệp địa ốc đánh mất dần chữ tín đối với khách hàng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tại TP.HCM liên tiếp xảy ra các sự kiện khiến khách hàng phải vác đơn đi đòi quyền lợi.
Vụ công ty Bitexco kiện bà Nguyễn Thị Bình, khách hàng mua căn hộ tại The Manor chưa qua thì xảy ra chuyện khách hàng tại dự án The Montana Apartment đi kiện đòi lại tiền mua nhà. Vụ The Manor khá đặc biệt, bởi khách hàng kiện chủ đầu tư giao căn hộ kém chất lượng thì lại bị chính chủ đầu tư kiện ngược ra tòa. Dù vừa rồi, tòa án nhân dân quận Bình Thạnh đã xử và bảo vệ được quyền lợi cho bà Bình thì cũng hơn 2 năm nay bà Bình bị chủ đầu tư đuổi ra khỏi nhà và phải đi thuê nhà khác để ở.
SGTT cũng nhận được các phản ánh của người mua căn hộ là khi nhận nhà bị bớt diện tích, thiết kế thay đổi so với hợp đồng đã ký. Những điều này khiến người tiêu dùng bị thiệt hoặc ít nhất cũng mất thời gian, phiền hà.
Ngay cả những dự án đã “an cư”, khách hàng cũng còn chịu rủi ro. Điển hình là hơn hai trăm hộ dân ở chung cư Lý Chiêu Hoàng (quận Bình Tân) phải khốn khổ vì công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM yêu cầu người dân phải nộp mức phí quản lý chung cư đến 3% tổng giá trị căn hộ và thu một lần. Các hộ dân ở chung cư Tản Đà (quận 5) thì khiếu nại liên tục về việc công ty CP đầu tư và quản lý bất động sản Đông Tây lấy tầng hầm để xe của chung cư này làm sở hữu riêng và dùng hành lang chung cư để cho thuê…
Trao đổi với phóng viên SGTT, một số doanh nghiệp bất động sản cho biết, chính từ những vụ việc không hay như trên vở lỡ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc bán sản phẩm căn hộ trong thời gian qua. Thị trường nhà đất tại TP.HCM gần như… bất động, các dòng sản phẩm từ trung cấp đến cao cấp bán rất chậm.
Trong báo cáo về thị trường bất động sản TP.HCM quý 1/2010, công ty Savills cho biết ba tháng đầu năm nay, chỉ có khoảng 1.800 căn hộ được tiêu thụ trong tổng số 9.000 căn hộ đang rao bán trên thị trường sơ cấp, giảm tới 48% so với quý 4/2009.
Theo một trưởng phòng marketing một doanh nghiệp địa ốc, trước đây khách hàng thường chỉ quan tâm đến tiện nghi căn hộ, hạ tầng giao thông nhưng hiện nay khi đến tìm hiểu về sản phẩm, nhiều khách hàng đã hỏi kỹ đến tính pháp lý, thậm chí có người còn đưa cả luật sư đến làm việc và ký hợp đồng mua bán.
Trước bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp tìm cách đổi chiêu bán hàng để tái tạo uy tín với khách hàng.
Ông Lê Chí Hiếu, tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị công ty nhà Thủ Đức cho rằng, đã hết rồi cái thời doanh nghiệp bất động sản ăn xổi, tức là huy động vốn ngay khi vừa làm xong móng. Trong bối cảnh “cung lớn hơn cầu” hiện nay thì không dại gì khách hàng không tìm mua căn hộ đã xây dựng gần như hoàn chỉnh, giá mềm.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Quốc Thái, giám đốc công ty VietRees cho biết, tâm lý của khách hàng hiện nay là nhắm vào những dự án uy tín, hạ tầng gần như hoàn thiện, giá mềm. Theo ông Thái, mặc dù đã giảm nhưng giá căn hộ tại TP.HCM vẫn được xếp vào top những thành phố có giá nhà đất đắt đỏ nhất thế giới, khiến đa số người dân muốn mua nhà vẫn phải đắn đo.
Còn ông Bùi Chiến Thắng, phó tổng giám đốc công ty Sacomreal mạnh dạn đề xuất: cần phải có hình thức phạt thật nặng những chủ đầu tư bội tín, phá vỡ hay làm sai hợp đồng. Nếu vẫn để tình trạng bội tín với khách hàng kéo dài, hoặc chỉ nhắc nhở chung chung thì không chỉ khách hàng thua thiệt mà thị trường căn hộ cũng sẽ bị vạ lây.
(Theo SGTT)